image banner
Tăng cường công tác thực hiện hướng dẫn thủ tục hành chính thuế cho người dân
Lượt xem: 13750

Trước thông tin phản ánh người nộp thuế khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính thuế về chuyển đổi mã số thuế phụ thuộc, đóng mã số thuế cá nhân, Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản yêu cầu các Cục Thuế tăng cường thực hiện hướng dẫn người nộp thuế đúng quy trình nghiệp vụ, tuân thủ nghiêm quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

ST2-30102023.png

Công tác thực hiện hướng dẫn thủ tục hành chính thuế cho người dân luôn được ngành Thuế tập trung chỉ đạo triển khai đúng quy trình nghiệp vụ, tuân thủ nghiêm quy định

Theo đó, ngày 27/10/2023 Tổng cục Thuế ban hành Công văn 4799/TCT-VP yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt công chức trong toàn đơn vị, đặc biệt là những công chức trực tiếp giao dịch với nhân dân và người nộp thuế (NNT) cần hướng dẫn NNT đúng quy trình nghiệp vụ của ngành, tuân thủ nghiêm quy định, quy chế và tác phong văn minh công sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, các Cục Thuế cần triển khai nghiêm túc việc đào tạo công chức mới, công chức luân chuyển, chuyển đổi vị trí công việc đảm bảo nắm vững quy định pháp luật, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tránh việc không nắm rõ dẫn đến hướng dẫn sai quy định gây phiền hà, ảnh hưởng đến NNT.

Công văn nêu rõ, trường hợp để phát sinh sai phạm trong quá trình triển khai nhiệm vụ của công chức, Cục trưởng Cục Thuế cần nghiêm túc chấn chỉnh kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của ngành để giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ.

Đối với việc chuyển đổi mã số thuế (MST) của người phụ thuộc thành MST cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, tại Luật Quản lý thuế quy định: “Cá nhân được cấp 01 MST duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp MST để giảm trừ gia cảnh cho NNT thu nhập cá nhân. MST cấp cho người phụ thuộc đồng thời là MST của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.”

Theo quy định trên, khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ thuế thì MST của người phụ thuộc đồng thời là MST của cá nhân dùng để kê khai, nộp thuế theo quy định.

Như vậy, khi người phụ thuộc phát sinh tờ khai thuế thì MST của người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế chuyển thành MST cá nhân mà không yêu cầu NNT phải làm thủ tục chuyển đổi với cơ quan thuế.

Đối với việc chuyển đổi số định danh cá nhân làm MST khắc phục tình trạng một cá nhân có nhiều MST, Tổng cục Thuế cho biết, thông qua quá trình rà soát chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân theo Đề án 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, cơ quan thuế phát hiện rất nhiều trường hợp một cá nhân (một số định danh) tương ứng với nhiều MST.

Nguyên nhân do cá nhân không hiểu quy định về đăng ký thuế hoặc do nhầm lẫn, cá nhân đã được cấp MST, khi thay đổi thông tin từ Chứng minh thư Nhân dân hoặc Giấy khai sinh (đối với người phụ thuộc) sang Căn cước Công dân dẫn đến việc cá nhân hoặc tổ chức chi trả thu nhập không thực hiện đăng ký thay đổi thông tin mà thực hiện theo thủ tục đăng ký lần đầu, dẫn đến cá nhân được cấp thêm MST khác nếu thông tin số giấy tờ tùy thân khác với số giấy tờ tùy thân đã được cấp MST trước đó.

Tổng cục Thuế cho biết, hiện đơn vị đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an chuyển đổi sang sử dụng số định danh cá nhân làm MST. Sau khi chuyển đổi thì số định danh sẽ hợp nhất nghĩa vụ thuế của cá nhân, khi đó sẽ không còn tình trạng một cá nhân có nhiều MST.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công chức, viên chức thuế trong thực thi công vụ

Trước đó, ngày 23/10/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành  Công văn số 4668/TCT-KTNB gửi các đơn vị trong toàn ngành Thuế yêu cầu tăng cường kỷ cương, kỷ luật và quản lý rủi ro trong công tác thuế đối với cán bộ, công chức trong toàn ngành Thuế. 

Đồng thời, yêu cầu Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng tới từng cán bộ, công chức; thực hiện rà soát các DN, hộ kê khai có rủi ro cao về hóa đơn theo các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Thuế và các văn bản yêu cầu phối hợp của các cơ quan thuế khác, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp quản lý thuế phù hợp.

Theo Tổng cục Thuế, thời gian vừa qua, ngành Thuế đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi và giảm chi phí, thời gian cho người nộp thuế. Bên cạnh mặt tích cực được người dân, doanh nghiệp ghi nhận cũng còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý rủi ro trong lĩnh vực thuế.

Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong toàn ngành cũng như xử lý các rủi ro trong quản lý thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng tới từng cán bộ, công chức thực hiện rà soát các DN, hộ kê khai có rủi ro cao về hóa đơn theo các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Thuế và các văn bản yêu cầu phối hợp của các cơ quan thuế khác, trên cơ sở đó chỉ đạo áp dụng biện pháp quản lý thuế phù hợp.

Tổng cục Thuế yêu cầu Ban quản lý rủi ro, Cục Thuế các địa phương thường xuyên phân tích, đánh giá các địa bàn trọng điểm nơi phát sinh nhiều DN bỏ địa chỉ kinh doanh, phát sinh doanh thu tăng đột biến, bất thường để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý của các cấp lãnh đạo và công chức theo dõi địa bàn, áp dụng triệt để các biện pháp nghiệp vụ đối với các trường hợp người nộp thuế có rủi ro cao gian lận hóa đơn, gian lận hoàn thuế.

Các Cục Thuế cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn trong quá trình thực thi công vụ. Kịp thời luân chuyển cán bộ, công chức lơ là, không làm hết trách nhiệm, bao che các DN mua bán hóa đơn bất hợp pháp, gian lận hoàn thuế.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra thực thi công vụ thường xuyên, đột xuất; kiểm tra, xác minh kịp thời những thông tin liên quan đến sai phạm của cán bộ, công chức. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các cán bộ, công chức sai phạm theo quy định của pháp luật và quy định của ngành.

Tổng cục Thuế yêu cầu người đứng đầu đơn vị các cấp chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, kỷ cương tại đơn vị; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi vi phạm chế độ, trách nhiệm hoặc khi xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Thủ trưởng đơn vị có cán bộ, công chức liên quan đến vụ án hay bị khởi tố bị can cần chủ động trao đổi thông tin với cơ quan chức năng trong phạm vi quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn không để tái diễn sai phạm tương tự trong đơn vị, thi hành kỷ luật nghiêm đối với các cán bộ, công chức có sai phạm và các cán bộ, công chức có liên quan sau khi có kết luận của cơ quan chức năng./.

(Phòng CNTT Trích đăng từ nguồn website Tổng cục Thuế)

ST
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1