image banner
Đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai HĐĐT trong bán lẻ xăng dầu
Lượt xem: 90

Chiều ngày 26/12, tại TP Hồ Chí Minh, Báo Tiền phong tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Triển khai HĐĐT trong bán lẻ xăng dầu - thực trạng và giải pháp”. Đồng chủ trì có Phó Tổng biên tập Báo Tiền phong Phùng Công Sưởng và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn.

Tham dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh; Cục Thuế tỉnh Đồng Nai; đại diện một số DN đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu; các DN phát hành HĐĐT (VNPT, FPT, BKAV…); các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực tài chính.

Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn chia sẻ những khó khăn với các DN kinh doanh xăng dầu tại hội thảo

Tăng cường chỉ đạo quản lý, sử dụng HĐĐT

Theo ông Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền phong cho biết, ngày 01/12/2023 Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT (HĐĐT) đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Trước đó, ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1123/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT, góp phần đầy mạnh công tác chuyển đổi số.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 13348/BTC-TCT ngày 04/12/2023 gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Tổng cục Thuế cũng có 2 Công văn liên quan đến triển khai HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu: Công văn số 5468/TCT-DNL ngày 5/12/2023 và Công văn số 5080/TCT-DNL ngày 13/11/2023 về việc thực hiện quy định HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Theo đánh giá của đại diện Tổng cục Thuế, việc triển khai HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho các DN (DN) kinh doanh bán lẻ xăng dầu góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, chống thất thu và tăng thu NSNN.

Cùng với đó, việc các tổ chức, DN, cá nhân khi mua xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ yêu cầu người bán hàng lập hóa đơn theo đúng số lượng hàng hóa đã mua cũng là giải pháp giúp tăng cường công tác quản lý thuế, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Thực tế cũng cho thấy, quy định về xuất HĐĐT cho từng lần bán xăng, dầu đã bắt đầu thực hiện từ ngày 01/7/2022 và tại Nghị định 80 về kinh doanh xăng, dầu vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 18/11/2023 cũng nêu rõ các cửa hàng bán lẻ của thương nhân kinh doanh xăng, dầu: “Thực hiện quy định về HĐĐT và cung cấp dữ liệu HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan Thuế”.

Với ngành xăng dầu, phải nói đây là một chủ trương lớn. Ghi nhận từ các DN xăng dầu đầu mối, thương nhân phân phối và DN bán lẻ cho thấy, các DN đều ủng hộ chủ trương minh bạch hóa việc kinh doanh xăng dầu, chống thất thu và tăng NSNN của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Khó khăn, vướng mắc và những bất cập đang phát sinh

Tại buổi Tọa đàm, các DN đồng thời cùng với khẳng định cam kết nghiêm túc thực hiện áp dụng xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng như chỉ đạo của ngành chức năng, tuy nhiên các DN cũng chia sẻ hiện đã có rất nhiều khó khăn, vướng mắc và cả những bất cập đang phát sinh trong việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng của các DN, tổ chức kinh doanh xăng dầu tại các địa phương.

Một số DN cho rằng những vướng mắc này có thể khiến DN trong thời điểm này gặp những khó khăn nhất định. Theo đó, các DN xăng dầu cho rằng có một số tồn tại cần tháo gỡ xung quanh quyết định triển khai xuất hóa đơn sau mỗi lần bán lẻ xăng dầu.

Có DN đầu mối còn cho rằng, vướng mắc hiện nay với các DN bên cạnh chi phí đầu tư trang thiết bị mới để có thể thực hiện xuất hóa đơn sau mỗi lần bán, chính là chi phí mua HĐĐT hiện bị đánh giá là khá cao và ước tính sẽ bị đội chi phí trong khi các DN bán lẻ cũng chịu chi phí gia tăng lớn, có thể dẫn đến bị thua lỗ do mức chiết khấu hiện nay không đủ để cho DN trang trải chi phí.

Các DN và các chuyên gia tài chính phát biểu tại buổi Tọa đàm

Hiện nhiều chi cục thuế địa phương chỉ chấp thuận hóa đơn của một vài DN phát hành HĐĐT. Các DN khác không được chấp thuận. Điều này sẽ dẫn đến những nghi vấn tiêu cực khi chỉ có một vài DN được chấp thuận bán hóa đơn cho các DN xăng dầu. Đây chỉ là phán đoán của chúng tôi và điều này thực tiễn có thể không xảy ra tình trạng như vậy, tuy nhiên, ngành Thuế cũng phải xem xét để tránh tình trạng này xảy ra trong thực tiễn. Chúng tôi kiến nghị rất cần có lộ trình để triển khai…” - đại diện một DN phân phối xăng dầu bày tỏ.

Theo đại diện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Ptrolimex) chia sẻ, việc xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng là yêu cầu bắt buộc của Nhà nước, vì vậy đơn vị đã triển khai khá đồng bộ và đến nay việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu là giải pháp công nghệ được thực hiện tự động hóa, giảm thiểu tác động của con người trong quá trình từ xuất bán hàng đến phát hành HĐĐT và truyền dữ liệu HĐĐT về cơ quan thuế, giúp giảm thiểu gian lận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, nâng cao công tác quản trị, thúc đẩy chuyển đổi số tại từng DN, góp phần thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo chủ trương chung của Chính phủ.

Tọa đàm đã dành thời lượng lớn để bàn về những vấn đề liên quan đến triển khai và áp dụng việc xuất HĐĐT trong bán lẻ xăng dầu cũng như những bất cập phát sinh để có thêm thông tin liên quan đến hoạt động của các DN cũng như các giải pháp làm sao để việc kinh doanh xăng dầu của DN được thuận lợi, việc triển khai quy định được đảm bảo.

Việc xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng là yêu cầu bắt buộc của Nhà nước được dư luận rất quan tâm

Sử dụng HĐĐT góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng

Thông tin tại buổi Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ 2 lần liên tiếp có Công điện cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ trong đẩy mạnh các hoạt động triển khai liên quan đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng có công văn gửi các địa phương, đơn vị chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với cơ quan thuế địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để nắm bắt thực trạng đáp ứng việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng.

Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn, lợi ích của việc áp dụng HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu là điều đã được thực tiễn chứng minh thông qua việc triển khai HĐĐT đã được một số công ty xăng dầu đầu mối. Đối với các DN bán lẻ xăng dầu sẽ phải đáp ứng các quy định trong thời gian tới.

Theo đó, đối với DN (người bán), cần đẩy mạnh việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của các DN từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh và uy tín của các DN trên thị trường.

Đối với người tiêu dùng, việc thực hiện HĐĐT sau từng lần bán hàng đảm bảo về nguồn gốc, số lượng hàng hóa, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trong việc tham gia Chương trình Hóa đơn may mắn do cơ quan thuế tổ chức.

Trong khi đó, đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc triển khai HĐĐT sẽ là cơ sở xây dựng nền tảng dữ liệu về hoạt động kinh doanh xăng dầu đầy đủ, tập trung, liên tục, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, góp phần hạn chế những rủi ro, gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

“Việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu là giải pháp công nghệ được thực hiện tự động hóa, giảm thiểu tác động của con người trong quá trình từ xuất bán hàng đến phát hành HĐĐT và truyền dữ liệu HĐĐT về cơ quan thuế, giúp giảm thiểu gian lận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, nâng cao công tác quản trị, thúc đẩy chuyển đổi số tại từng DN, góp phần thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo chủ trương chung của Chính phủ và ngành Thuế cam kết tiếp tục đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.” - Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn khẳng định.

Tuân thủ để tạo sự công bằng trong sản xuất kinh doanh đối với mọi thành phần kinh tế

Về nội dung phản ảnh của một DN kinh doanh xăng dầu cho rằng có DN xăng dầu ở Thanh Hóa phản ảnh về thái độ phục vụ của nhân viên Chi cục thuế địa phương trong việc đôn đốc DN vì chậm triển khai HĐĐT, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn ghi nhận ý kiến và sẽ cho xác minh đầy đủ, làm rõ thông tin (nếu có) từ phía DN cung cấp để chấn chỉnh kịp thời trong toàn hệ thống.

Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn khẳng định, việc triển khai công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu là một chủ trương lớn của Chính phủ và các DN kinh doanh xăng dầu phải có trách nhiệm tuân thủ để tạo sự công bằng trong sản xuất kinh doanh đối với mọi thành phần kinh tế.

Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn, việc triển khai HĐĐT không phải là vấn đề mới được Chính phủ đề cập và chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện, mà việc này ngay sau khi các văn bản pháp luật liên quan đến áp dụng HĐĐT có hiệu lực và lộ trình triển khai từ ngày 01/7/2022 thì đã có 2 năm chuẩn bị về mặt pháp luật.

Trước đó, trong quá trình xây dựng các dự án Luật và văn bản quy phạm pháp lật, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã đưa những thông tin lên website, các hội thảo, xin ý kiến các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các DN chịu tác động trực tiếp... nhưng không nhận được nhiều phản ánh tích cực như hiện nay. Vì vậy, rất mong DN trong thời gian tới đồng hành cùng ngành Tài chính và ngành Thuế ngay từ khâu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để việc triển khai được thông suốt hơn.

Bên cạnh đó, căn cứ tính chất đặc thù của việc kinh doanh xăng dầu, Nhà nước đã duy trì ‘độ trễ’ trong 2 năm để các thành phần kinh tế trong đó có hệ thống các DN kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu có thời gian triển khai. Điển hình, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp nhấn nút chính thức triển khai áp dụng hệ thống HĐĐT trên phạm vi toàn quốc vào ngày 21/4/2022, Nhà nước cũng đã tiếp tục duy trì ‘độ trễ’ để chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các DN bán lẻ xăng dầu vẫn chưa triển khai dẫn đến việc khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện chỉ đạo, các DN dưỡng như đã bị động trong việc triển khai dẫn đế khó khăn cho cả cơ quan quản lý và cho chính DN.

Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn khẳng định, HĐĐT áp dụng với xăng dầu cũng như bán mặt hàng khác. Nếu có vướng mắc trong quá trình sử dụng, cơ quan thuế sẽ cùng với các nhà cung cấp giải pháp và các đơn vị trung gian, tiếp nhận thông tin và sẽ xử lý kịp thời. Tổng cục Thuế có đường dây nóng, có trung tâm công nghệ với các giải pháp vận hành để xử lý tất cả các vấn đề liên quan, giải quyết khó khăn cho DN, không để chậm trễ. Đồng thời cho rằng nếu việc triển khai HĐĐT trong kinh doanh xăng dầu thành công sẽ đem lại khá nhiều lợi ích cho DN và Nhà nước. Điều này giúp hoạt động kinh doanh của DN minh bạch, tránh thất thu thuế.

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng HĐĐT là xu hướng tất yếu, buộc phải thực hiện. Ông dẫn chứng trên thế giới nhiều quốc gia phát triển đã triển khai hàng chục năm nay và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của họ đã để khách hàng tự phục vụ. Do đó, để các DN Việt Nam triển khai đồng bộ HĐĐT cần có sự tham gia sâu sát của nhà chức trách.

(Phòng CNTT trích đăng từ nguồn website Tổng cục Thuế)


ST
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1