image banner
Áp dụng HĐĐT trong kinh doanh xăng dầu để tạo sự minh bạch, bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Lượt xem: 80

Nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, từ đó góp phần minh bạch trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu và đây một nội dung quan trọng được đề cập tại Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

ST_22112023-1.png

Áp dụng HĐĐT là một trong các giải pháp bắt buộc rất quan trọng để tạo sự minh bạch, bình đẳng trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến trình thực hiện chuyển đổi số

Căn cứ pháp lý triển khai

Để triển khai hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu là một trong những hoạt động được nhà nước quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ. Theo đó các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải triển khai phát hành HĐĐT theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Cụ thể:

Tại khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng HĐĐT: “1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.”

Bên cạnh đó, điểm i khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ quy định: “i) Thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.”

Điểm c khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về nội dung của hóa đơn quy định: “… Đối với HĐĐT bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.”

Đồng thời, tại điểm a khoản 3 Điều 22 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về phương thức và thời điểm chuyển dữ liệu HĐĐT cũng quy định: “… Riêng đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT này ngay trong ngày.”

Như vậy, có thể khẳng định đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai HĐĐT đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Lộ trình thực hiện HĐĐT đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 151 - Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ban hành ngày 13/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020, quy định:

“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2022; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.”

Theo đó, riêng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022.

Kết quả ghi nhận, từ ngày 01/7/2022, toàn bộ các doanh nghiệp, tổ chức trên cả nước đã thực hiện phát hành HĐĐT.

Đối với việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán lẻ xăng dầu và HĐĐT từ máy tính tiền, ngành Thuế đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng HĐĐT, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng HĐĐT, nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế.

Đồng thời, ngành Thuế cũng tăng cường phối hợp giữa cơ quan ban, ngành địa phương trong việc rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Đồng thuận đối với việc áp dụng HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu

Đối với quy định về lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, bao gồm quy định về “Thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán”, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) là cơ quan chủ trì đã lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi và tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và xem xét, thông qua.

Bộ Tài chính khẳng định, các quy định trên đảm bảo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Luật số 17/2008/QH12 về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, tại văn bản số 1394/BTC-PC ngày 02/03/2020 góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ, Bộ Công Thương không có ý kiến về nội dung quy định về thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán lẻ xăng dầu nêu trên.

Áp dụng HĐĐT là một trong các giải pháp bắt buộc rất quan trọng để thực hiện chuyển đổi số

Mới đây, tại Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng HĐĐT, đặc biệt là trong việc lập HĐĐT tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.

Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống gian lận về HĐĐT; tăng cường phối hợp với cơ quan Công an và các bộ, cơ quan liên quan để phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật và xử lý kịp thời, nghiêm theo quy định. 

Thủ tướng Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt đầy đủ, kịp thời các quan điểm, nhận thức về trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số tại địa phương, trong đó xác định việc áp dụng HĐĐT là một trong các giải pháp bắt buộc rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, nhất là đối với các HĐĐT về điện, xăng dầu…

Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo sát sao các sở, ngành phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng cơ quan thuế tại địa phương trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, quản lý, sử dụng HĐĐT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý thuế và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp có quy định sử dụng HĐĐT mà không thực hiện.

Ngành Thuế tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT

Theo Tổng cục Thuế, thực tế trong thời gian qua cho thấy, vẫn có tình trạng việc quản lý, phát hành, sử dụng hoá đơn đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đúng quy định như: cuối ngày mới xuất hoá đơn tổng đối với các trường hợp bán lẻ trong ngày; định kỳ hàng tuần, hàng tháng xuất 1 hóa đơn cho khách hàng với số lượng lớn; thậm chí có trường hợp bán hàng hoá nhưng không xuất hoá đơn, không kê khai nộp thuế, trốn thuế, gian lận thuế, mua bán hoá đơn thu lợi bất chính, gây thất thu cho NSNN. 

Do đó, để đảm bảo thực hiện việc chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng hoá đơn, đồng thời ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hoá đơn, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5080/TCT-DNL ngày 13/11/2023 yêu cầu cơ quan thuế các cấp khẩn trương nắm bắt thực trạng triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa phương.

(Phòng CNTT trích từ nguồn website Tổng cục Thuế)

ST
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1