image banner
Quản lý đồng bộ về thuế thương mại điện tử và hộ kinh doanh góp phần chống thất thu thuế
Lượt xem: 253

Nền tảng thương mại điện tử là nguồn tài nguyên trù phú cho các tổ chức, cá nhân phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời đại công nghệ số với những phiên livestream đạt doanh thu lên tới trăm tỷ đồng, song cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thuế. Do đó, cơ quan thuế các cấp đã triển khai những giải pháp chính sách tăng cường quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử và hộ, cá nhân kinh doanh nhằm tránh thất thu NSNN. 

Anh-tin-bai

Ngành Thuế đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ

Quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác quản lý thuế TMĐT

Công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số luôn được Tổng cục Thuế xác định là nhiệm vụ trọng tâm để chống thất thu, bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.

Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đã ban hành những văn bản chỉ đạo quan trọng yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ các nhóm đối tượng người nộp thuế (NNT), tăng cường khai thác, rà soát cơ sở dữ liệu (CSDL) TMĐT.

Từ đó, ngành Thuế tiếp tục làm đầy CSDL, rà soát chất lượng thông tin do sàn cung cấp, tổ chức thực hiện thanh tra kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực TMĐT, tăng cường công tác quản lý thuế lĩnh vực dịch vụ truyền hình, truyền thông, sáng tạo nội dung phát sinh thu nhập từ quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng xuyên biên giớ, tổ chức, cá nhân bán hàng Livestream trên các nền tảng xã hội…

Hệ thống CSDL về TMĐT đã được Tổng cục Thuế thu thập, vận hành và phân quyền khai thác cho cơ quan thuế địa phương phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT bao gồm: Cơ sở dữ liệu TMĐT trong nước và cơ sở dữ liệu TMĐT xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, để triển khai tích cực Chỉ thị 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Tổng cục Thuế đã làm việc với đầu mối của các bộ, ngành và thống nhất về kế hoạch chi tiết việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và thống nhất quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Nhờ công tác phối hợp giữa các bộ, ngành tích cực và hiệu quả, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã đạt được một số kết quả tích cực như: Hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ CSDL của Bộ Công an với CSDL về mã số thuế (MST) để triển khai việc chuyển đổi sử dụng căn cước công dân làm MST theo quy định; hoàn thành việc tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) với các nền tảng quản lý thuế của cơ quan thuế.

Đồng thời, bước đầu hoàn thành việc chia sẻ CSDL từ Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước với Tổng cục Thuế, bao gồm: dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ TMĐT; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực: viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; dữ liệu về 144 triệu tài khoản thanh toán gồm 10 triệu tài khoản của tổ chức và trên 134 triệu tài khoản của cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại. Qua đó tiếp tục tạo nguồn CSDL phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với TMĐT.

Khoảng 50 nghìn tỷ đồng thuế thu được qua hoạt động TMĐT

Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý thu thuế. Theo đó, Tổng cục Thuế tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, ngành Thuế tổng kết đánh giá, nghiên cứu các biện pháp và tổ chức thực hiện chống thất thu thuế đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, trong các ngành nghề, lĩnh vực từ đó triển khai áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Văn phòng Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch tuyên truyền đối với hoạt động TMĐT năm 2024 nhằm tăng cường và chuyên nghiệp hóa hoạt động truyền thông chính sách về lĩnh vực quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT từ đó thay đổi tư duy và phương thức tiếp cận của người dân đối với hoạt động quản lý thuế về TMĐT.

Với sự quyết liệt, đồng bộ trong triển khai thực hiện, công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều phương diện:

Thứ nhất, về rà soát các sàn thuộc diện cung cấp thông tin đến cơ quan thuế: Đã có 383 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin trên cổng thông tin TMĐT, tăng 22 sàn so với số lượng sàn cung cấp thông tin lũy kế 5 quý (từ kỳ quý IV/2022 đến kỳ quý IV/2023).

Thứ hai, về rà soát thông tin do sàn cung cấp: Qua việc triển khai rà soát, yêu cầu các sàn cung cấp lại thông tin đảm bảo thông tin cung cấp đầy đủ, sát với thực tế phát sinh trên toàn quốc, các sàn đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức và việc tuân thủ quy định về cung cấp thông tin. Đã có 18/361 sàn đã thực hiện việc cung cấp lại thông tin đảm bảo đúng đủ theo quy định.

Thứ ba, về thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT: 5 tháng đầu năm 2024 doanh thu quản lý là 1,8 triệu tỷ đồng (~ 71 tỷ USD), số thuế đã nộp khoảng 50 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 5 tháng năm 2023.

Thứ tư, về rà soát, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm: Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số các doanh nghiệp, cá nhân thuộc diện rà soát, đôn đốc, hỗ trợ kê khai nộp thuế là 42.898 đã thực hiện kê khai, nộp thuế 9.979 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ đồng so với cùng kỳ, các trường hợp đã xử lý vi phạm là 4.560 với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỷ đồng.

Thứ năm, về quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN): Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có thêm 26 NCCNN mới đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN. Lũy kế kể từ thời điểm triển khai vận hành Cổng TTĐT dành cho NCCNN (ngày 21/03/2022) đến ngày 19/6/2024 đã có 101 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT đến từ nhiều quốc gia như Hoa kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong; Ireland; Thụy Sĩ, Úc; Anh; Switzerland;… Tổng số thuế các NCCNN đã khai - nộp trực tiếp qua Cổng TTĐT 6 tháng đầu năm là 4.039 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023. 

Anh-tin-bai

Cơ quan thuế tổ chức rà soát toàn bộ hồ sơ quản lý thuế đối với HKD, CNKD trên địa bàn quản lý nhằm quản lý thuế đúng, đầy đủ, đồng thời thực hiện công khai thông tin về HKD, CNKD nộp thuế khoán theo quy định và công khai trên chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh

Tăng cường phối hợp trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh

Xác định công tác quản lý thuế đối với hoạt động quản lý thuế đối với hộ kinh doanh (HKD) cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó bên cạnh công tác phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Công văn số 95/BTC-TCT ngày 04/01/2024 gửi các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Trong đó đề nghị sự quan tâm, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan phối hợp với cơ quan thuế trong công tác chỉ đạo điều hành công tác thu NSNN trên địa bàn đối với hộ kinh doanh (HKD). 

Song song với đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 525/TCT-DNNCN ngày 15/02/2024 chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố về công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong thời gian qua và chỉ đạo các Cục Thuế triển khai 04 nhóm công việc lớn: (i) Quản lý thuế đối với HKD; (ii) Rà soát, chuẩn hóa thông tin đăng ký thuế; (iii) Rà soát cơ sở dữ liệu trên Cổng TTĐT từ các sàn giao dịch TMĐT; (iv) Triển khai HĐĐT đối với HKD.

Để tăng cường công tác quản lý thuế đối với HKD, cá nhân kinh doanh (CNKD), Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo các Cục Thuế tổ chức rà soát toàn bộ hồ sơ quản lý thuế đối với HKD, CNKD trên địa bàn quản lý nhằm quản lý thuế đúng, đầy đủ, đồng thời thực hiện công khai thông tin về HKD, CNKD nộp thuế khoán theo quy định và công khai trên chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh.

Để nâng cao năng lực quản lý thu thuế, chống thất thu thuế theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngày 14/5/2024, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 2048/TCT-DNNCN đề nghị các Cục Thuế trên cơ sở thực tế triển khai, đánh giá khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực còn dư địa nguồn thu NSNN để có giải pháp tăng cường hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý thuế, đồng thời phân công các đơn vị xây dựng và triển khai các chuyên đề quản lý thuế.

(Phòng Công nghệ thông tin trích đăng từ website Tổng cục Thuế)

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1